Làm gì có tiền mà dám đẻ con

Ai cũng hỏi “bao giờ có con”, cứ như thể họ sẽ cho tôi tiền nuôi con vậy!

Thu nhập chỉ có 15 triệu nhưng cả ngàn thứ phải lo

Vợ chồng tôi kết hôn được gần hai năm. Cả hai đều đi làm văn phòng, lương thưởng cộng lại được 15-18 triệu/tháng/2 người. Nghe qua thì có vẻ cũng không đến mức quá bết bát, không sống nổi… nếu ở quê. Chứ còn ở Hà Nội thì khác. Tiền trọ, tiền ăn uống, đi lại rồi thi thoảng phát sinh đám cưới, thôi nôi đầy tháng con bạn, bố mẹ ở quê đi viện,... có khi chưa hết tháng đã hết sạch tiền. Tháng nào “may mắn” ít việc phát sinh thì dư được vài trăm ngàn…

Làm gì có tiền mà dám đẻ con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhà chưa có, thu nhập bấp bênh, tài khoản tiết kiệm thì đìu hiu nên cũng chẳng dám nghĩ tới việc có con, dù cả hai cũng ngấp nghé đầu 3 cả rồi.

Nói thật là đôi khi nhìn bạn bè bầu bí, thấy cũng… ganh tị trong lòng. Người ta bằng tuổi mình, có thể chưa có nhà nhưng chí ít cũng đủ tiền thuê chung cư 2 phòng ngủ, còn vợ chồng tôi thì chỉ dám thuê phòng trọ 20 mét vuông, bếp cách giường đúng 3 bước chân. Người ta đủ tiền đi đẻ ở viện tư, còn mình đến cả việc đi chợ mua đồ về nấu vẫn còn phải đắn đo lạng thịt mớ rau, xem cái nào rẻ hơn thì lấy. Thế nên làm sao mà dám tính chuyện có con bây giờ?

Nhưng khổ nỗi, bố mẹ, họ hàng ở quê đâu hiểu mình ở thành phố đang chật vật thế nào. Ai cũng nghĩ lương 15-18 triệu là to lắm, dư sức sống với nuôi con rồi.

Lần nào về quê cũng bị hỏi “ô thế cưới gần năm rồi mà chưa thấy báo tin vui gì à?”. Mà kể cả lúc ở thành phố, bố mẹ từ quê gọi điện lên, nói chuyện được chừng mấy giây là y như rằng lại quay về chuyện đẻ…

Ông bà mong có cháu, vợ chồng tôi rất hiểu nhưng bị giục, bị nhắc nhiều quá nên nhiều khi đâm ra bực mình. Có phải vợ chồng tôi không ham chơi, ích kỷ nên không muốn có con đâu… Vậy mà chẳng ai hỏi vợ chồng mới cưới có ổn không, lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhắc chuyện bầu bí… Đã tủi còn thêm cái bực!

Chưa đẻ khi thu nhập chưa ổn là sống có trách nhiệm

Nhiều người cứ bảo cứ có con đi, kiểu gì cũng xoay sở được vì có con là có thêm động lực để phấn đấu. Nhưng tôi từng thấy không ít người vì có con khi kinh tế chưa ổn định nên thành ra kiệt sức, vợ chồng nhìn nhau, nhìn con mà thấy đau đáu nặng lòng chứ chẳng còn tâm trí nào mà vui vẻ, chỉ vì không có tiền.

Làm gì có tiền mà dám đẻ con - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tôi thấy mình không đủ bản lĩnh để bước vào hành trình làm mẹ với tinh thần “đi tới đâu tính tới đó”. Không phải vì tôi sợ khó, mà vì tôi không muốn con trở thành lý do khiến vợ chồng tôi phải chật vật. Như thế vừa khổ mình, vừa khổ con.

Tôi từng thử ngồi tính sơ bộ chi phí cho một năm đầu đời của em bé. Nếu sinh ở bệnh viện công, không bảo hiểm thai sản, chỉ riêng tiền sinh nở đã tốn 10-20 triệu, tùy theo sinh thường hay sinh mổ. Cộng thêm chi phí khám thai định kỳ, xét nghiệm, tiêm phòng, mua sữa, tã bỉm, đồ dùng cho mẹ và bé… mỗi tháng nuôi con ít nhất cũng cần 7-8 đồng, thậm chí nhiều hơn nếu có phát sinh bất ngờ.

Với mức thu nhập hiện tại, tôi và chồng có thể sống dè sẻn, nhưng thêm một đứa trẻ thì chắc chắn không xoay kịp.

Chúng tôi cũng đã tính đến chuyện mua bảo hiểm thai sản từ sớm để sau này nếu có con thì đỡ áp lực phần nào. Nhưng một gói bảo hiểm tốt cho mẹ bầu thường cũng mất từ 7 đến 10 triệu/năm, và phải mua trước khi mang thai ít nhất 9-12 tháng. Với đà tiết kiệm như hiện nay, muốn đủ tiền mua bảo hiểm thôi cũng phải dành dụm nhiều tháng, chứ chưa nói đến các khoản khác.

Thế nên chúng tôi chưa có con, không phải vì không muốn làm cha mẹ, mà vì muốn làm cha mẹ một cách có trách nhiệm.

Tôi nghĩ rằng một đứa trẻ không cần được sinh ra trong sự giàu có, nhưng chí ít cũng nên được sinh ra trong sự sẵn sàng của bố mẹ: Sẵn sàng về tinh thần và sẵn sàng về tài chính.

Đương nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi người một suy nghĩ, không phải ai cũng có lựa chọn giống ai. Có người sinh con trước rồi ổn định sau. Có người đợi ổn định rồi mới sinh con. Và cũng có người những đang ở đoạn giữa như vợ chồng tôi lúc này: Chưa sẵn sàng nhưng luôn nghĩ đến, luôn cố gắng chuẩn bị từng chút một để có con.

Ngọc Linh