Cách trung tâm Hà Nội 30 km, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín có nghề may, thêu cờ. Nơi đây mỗi năm cung cấp hàng triệu lá cờ Tổ quốc cho cả nước.
Nghề thêu, dệt tại làng hình thành từ thế kỷ 16. Tháng 8/1945, Ủy ban kháng chiến mời thợ làng may cờ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ngày 2/9/1945, hàng vạn lá cờ do người Từ Vân may xuất hiện tại quảng trường Ba Đình trong lễ Tuyên ngôn độc lập. Kể từ đó, may cờ trở thành truyền thống của làng, nhiều gia đình đến nay có bốn thế hệ làm nghề.
Gia đình anh Nguyễn Văn Phục (áo trắng, ở giữa), 50 tuổi, một trong những hộ may cờ đầu tiên tại làng, cho biết khoảng một tháng trước lễ Quốc khánh 2/9 và 30/4 hàng năm, nhu cầu mua cờ treo, dây cờ, cờ cầm tay các kích cỡ tăng cao.
"Năm nay kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhu cầu tăng đột biến, hơn 30 nhân công của xưởng hoạt động từ sáng đến đêm, ngày nào cũng tăng ca mới kịp đơn hàng", anh Phục nói.
Mỗi ngày xưởng sản xuất khoảng 1.000 lá cờ các loại.
Trước đây, việc may cờ chủ yếu làm thủ công. Nay các hộ sản xuất quy mô lớn đều trang bị máy móc hiện đại, tự động từ việc cắt, in, may để sản phẩm hoàn thiện có độ chính xác cao, cải thiện năng suất.
Làm cờ Tổ quốc trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên phải chọn đúng vải sa chuẩn có màu sắc đỏ tươi. Loại vải này mua từ làng La Khê, quận Hà Đông hoặc do người làng Từ Vân tự nhuộm.
Tiếp đến cắt, in hoặc thêu, phơi hoặc sấy khô mực, ép phẳng vải, may viền, gấp cờ.
Với các sản phẩm in khổ to, lâu khô, người làm phải dùng máy sấy để nhanh ráo mực.
Bà Tâm, 70 tuổi, nói lá cờ từ lúc cắt vải đến khi in ngôi sao hoặc biểu tượng búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải chính xác đến từng ly. Với mọi kích thước, tâm của ngôi sao hoặc biểu tượng búa liềm luôn nằm chính giữa nền đỏ.
"Làm hàng bán nhưng với tôi lá cờ không phải món hàng, đó là việc đưa Tổ quốc đi khắp nơi", bà Tâm nói.
Các sản phẩm cờ dây sau khi hoàn thiện được xếp gọn, đóng gói trước khi giao cho khách.
Riêng cờ Tổ quốc kích thước tiêu chuẩn, sẽ được gấp gọn cho vào bọc 10 chiếc.
Ngoài sản phẩm in, anh Nguyễn Văn Phục nhận cả những đơn hàng đặc biệt, cờ thêu tay. Sản phẩm này đòi hỏi sự tỉ mỉ trong cả quá trình. Yêu cầu thêu không được chồng chéo chỉ lên nhau, chỉ rải một lớp, tách 5 cánh sao tách biệt và có độ bóng.
Với thợ lành nghề tốn 2-3 ngày thực hiện, người mới vào nghề có thể tốn cả tuần để hoàn thành.
Theo anh Phục, do đòi hỏi sự chính xác, cầu kỳ nên giá bán cũng cao hơn nhiều lần so với may bằng máy.
Trải qua 80 năm phát triển, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được người dân làng Từ Vân giữ gìn và phát triển.
"Ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là đại diện cho niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương trong mỗi người dân Việt Nam", anh Phục nói.
